Sách Hóa Thân - Franz Kafka: Hướng đến cái gì để sống?
Cuốn sách chỉ vỏn vẹn 126 trang, viết từ 1912, cứ bình thản khuấy lên những câu hỏi cho người đọc dù ở thời đại nào.
Sách Hóa Thân của nhà văn người Đức Franz Kafka là một tác phẩm không khiến tôi rung động mãnh liệt khi đọc. Rõ ràng là kể lại một sự kiện bất thường, nhưng giọng kể của ông cứ đều đều như không, các nhân vật cũng chấp nhận một cách hiển nhiên. Cứ như là ai cũng thấy nó bình thường, chỉ trừ người đọc.
Hóa Thân kể về Gregor Samsa, một thanh niên đang trong độ tuổi lao động, một trụ cột chính của gia đình, bỗng nhiên biến thành một con côn trùng khổng lồ sau một đêm. “Anh nằm ngửa trên cái lưng rắn như thể được bọc giáp sắt, và khi dợm nhấc đầu lên, anh nhìn thấy bụng mình khum tròn, nâu bóng, phân chia thành nhiều đốt cong cứng đờ […]. Chân anh nhiều ra, mảnh khảnh đến thảm hại so với phần còn lại của thân hình to đùng, vung vẩy bất lực trước mắt anh” (Bản dịch của dịch giả Đức Tài).
Hướng đến cái gì để sống?
Truyện mở đầu với một sự việc lạ lùng như thế. Gregor làm nghề chào hàng ở ga tàu. Mỗi ngày anh đều phải dậy thật sớm để kịp chuyến tàu lúc 5 giờ, liên tục di chuyển, gặp gỡ, báo cáo, bạ đâu ngủ đấy và luôn trong tình trạng kiệt quệ.
Tuy vậy, với một pha biến hình ngoạn mục từ người thành côn trùng, thứ đầu tiên Gregor nghĩ đến khi thức dậy lại là: mình đã trễ chuyến đầu rồi, làm sao để kịp đón chuyến thứ 2. Anh bối rối với cơ thể mình, đau đớn và chật vật để di chuyển, nhưng không mảy may nghĩ đến tìm hiểu lý do vì sao mà lại thành như vậy.
Gregor chẳng yêu nổi công việc của mình, anh gọi đó là thứ vô bổ. Nhưng nó lại là nguồn sống của cả gia đình anh. Sau khi cha làm ăn thất bát, Gregor tự nhận trách nhiệm đi làm trả nợ, mua nhà lớn cho gia đình, lo cho em gái đi học ở trường nhạc trong tương lai. 5 năm liền anh chưa một ngày nghỉ việc, anh tận hiến cho gia đình, cho xưởng tàu.
Quả thực, Gregor đã làm được điều mình hứa. Cha mẹ và em gái anh được sống trong êm đềm, ổn định, dẫu không giàu có nhưng không ai phải bươn chải ngoài đường.
Kafka đã thật tài tình khi xây dựng một nhân vật có tính biểu tượng xuyên thời đại dù đã viết cách đây 112 năm. Cho đến tận bây giờ, Gregor cũng vẫn là mẫu số chung cho rất nhiều người trong chúng ta: cứ mải gồng gánh trách nhiệm, hết mình cho đời người khác nhưng chưa từng thực sự sống cho mình.
Chắc hẳn cũng đã có lúc bạn đối diện với chia ly, đổ vỡ, nợ nần, bệnh tật, thất bại. Nhưng dẫu lớp áo vụn vỡ ấy có khoác lên mình nặng nề thế nào thì ngày hôm sau cũng vẫn phải tạm cất đi để sống tiếp.
Đau khổ, bây giờ lại cần phải được trao quyền thì mới được phép bộc lộ ra.
Gregor ngồi thẫn thờ trong phòng nhìn ra màn sương, hy vọng rằng chỉ sau vài hơi thở thì hiện thực tàn nhẫn này sẽ biến mất, rằng mọi thứ chỉ là mơ thôi, và cuộc sống lại về mốc bình thường. Chúng ta có lẽ cũng đã từng như thế. Vì “cơm áo không đùa với khách thơ” - Nam Cao.
Hướng đến cái gì để sống là một câu hỏi rất vĩ mô nhưng cũng vô cùng thực tế. Gregor luôn cảm thấy công việc là đày ải nên anh không thể thấy niềm vui trong việc kiếm tiền. Thứ khiến anh tiếp tục là sự an toàn của gia đình thể hiện trong giấc ngủ của cha, bữa ăn của mẹ, tiếng đàn của em gái.
Vì Gregor hướng về gia đình nên phản hồi từ gia đình là động lực cố gắng của anh.
Tôi chẳng thể nói điều đó là đúng hay sai. Nhưng tôi biết nó sai khi gia đình Gregor bắt đầu coi sự hy sinh của anh là hiển nhiên, tất yếu.
Khi gia đình không còn là động lực
Thời điểm Gregor mới biến thành côn trùng, không ai trong gia đình anh nghĩ đến việc tìm hiểu xem đây có phải là con, là anh mình không. Có điều gì đã xảy ra? Chắc gì côn trùng đã là Gregor, phải chăng con mình đã mất tích?
Không, không có.
Cha mẹ gõ cửa phòng giục Gregor vì muộn giờ tàu chạy. Khi quản đốc chạy đến nhà để kiểm tra họ họ nháo nhào nói đỡ để mong Gregor không bị đuổi việc. Cha mẹ và em gái mặc định con côn trùng khổng lồ đó là con, là anh mình và chọn cách giấu Gregor đi. Theo thời gian, đồ ăn mang vào cho Gregor càng ngày càng sơ sài, vứt đại cho có. Phòng của Gregor biến thành phòng chứa đồ đạc dư thừa.
Gregor bị cấm xuất hiện ở không gian chung để tránh làm cho khách trọ hoảng sợ. Cả nhà không được sống trong êm ấm, họ phải tìm cách kiếm tiền. Bố thì chạy việc vặt, em gái đi bán hàng, mẹ nhận nghề thủ công làm tại nhà. Ai cũng bận rộn và phải siết chặt chi tiêu.
Mẹ Gregor thương con nhưng lại nhu nhược và không có tiếng nói. Em gái tưởng là người kiên định nhất, nhưng cũng đã dần buông tay Gregor từ lúc nào. Khi trụ cột không còn là trụ cột, thái độ của cả nhà trở nên lãnh cảm, coi anh là khối u phiền phức không nên tồn tại.
Những người anh dang tay che chở bao năm qua, nay lại khước từ sự tồn tại của anh, tìm cách phủ nhận mối liên hệ với anh.
Động lực sống của Gregor ban đầu còn được neo lại bởi vài dấu hiệu nhỏ nhoi từ phía em gái. Tuy vậy, khi khoảng cách càng ngày càng xa, Gregor chỉ còn vật vờ, chờ đợi 1 điều gì đó mà cũng như không chờ đợi điều gì cả.
Sự cố gắng vì nhau là một trong những yếu tố quyết định để thăm khám sức khỏe của một mối quan hệ. Khi không còn thấy một ai trong nhà cố gắng để tiếp cận, quan tâm hay để hiểu mình - dẫu chỉ một chút, Gregor đã dần nhận ra cái kết nào đang chờ mình ở phía trước. Tuy vậy, Gregor vẫn giữ một sơ tâm khi hướng về gia đình. Mọi người có thể không cố gắng, nhưng anh thì luôn nói có.
Ngày 3 người khách trọ muốn cô em gái đàn cho họ nghe nhưng lại không trân trọng tiếng đàn của cô, Gregor đã quá thương em mà đánh liều ra phòng khách. Anh ra dấu để em gái đi vào phòng, đừng lãng phí công sức lấy lòng những kẻ không quan tâm đến giá trị của mình.
Tuy vậy, bóng dáng Gregor đã lọt vào mắt 3 người khách trọ, họ đùng đùng đòi trả phòng mà không trả một xu cho thời gian ở trước đó. Cả nhà anh thất thần. Gregor lê tấm thân chứa quả táo thối rữa do bị bố ném trúng - đứng từ góc nhà nhìn ra phòng khách.
Khi khoảng cách càng ngày càng xa, Gregor chỉ còn vật vờ, chờ đợi 1 điều gì đó mà cũng như không chờ đợi điều gì cả.
Người em gái ban đầu là người nhạy cảm, trân trọng, quan tâm đến Gregor côn trùng nhất, nay lại là người lớn tiếng đòi phải tống khứ “nó” đi: “Ta phải cố làm sao rũ bỏ được nó […] Nó phải biến đi. Nó làm sao có thể là anh Gregor được? Nếu nó là Gregor thì hẳn anh ấy phải nhận ra từ lâu là con người không thể nào sống chung với một con vật ghê tởm như thế được và có lẽ đã tự động bò đi rồi. Như thế chúng ta có thể mất đi một người thân nhưng có thể tiếp tục sống và tưởng nhớ mãi đến anh ấy”.
Thân thể anh vốn đã còm cõi sau bao ngày không ăn uống gì, nay lãnh một chấn thương tinh thần khiến nó gần như quỵ hẳn.
Gia đình từ việc coi anh là trụ cột, đến một thứ bất thường, tới khối u phiền phức và giờ là vết mực dơ dáy muốn bôi xóa vĩnh viễn. Tất cả những gì Gregor đã làm, tất cả mối liên kết huyết thống, ký ức gia đình, tình cảm anh em… đều không là gì cả.
Ngày tàn của Gregor đã tới.
Hướng đến cái chết mà sống
Ngay sau buổi tối định mệnh đó, Gregor lê tấm thân hoang tàn của mình vào phòng và trút hơi thở cuối cùng vào sáng sớm.
Thật cay đắng biết bao khi những suy tư cuối cùng của một cuộc đời lại là: “Anh phải biến mất, ý nghĩ đó nhung nấu trong anh còn mãnh liệt hơn cả em gái mình - nếu như anh có khả năng thực hiện được. Trong trạng thái suy tư bình an và lơ đãng ấy, anh nằm liệt một chỗ tới lúc chuông đồng hồ trên tháp gõ 3 giờ sáng. Ý thức của anh một lần nữa lại tiếp nhận ánh sáng hừng đồng đầu tiên dần trải rộng ở thế giới bên ngoài khung cửa sổ. Rồi đầu anh tự động gục xuống sàn nhà và hơi thở mong manh cuối cùng của sự sống thoát khỏi hai lỗ mũi anh”.
Anh không oán hận gia đình. Tới tận lúc hấp hối, Gregor vẫn nghĩ về cha mẹ và em gái với một tình cảm trìu mến.
Ai mới thực sự là người hóa thân, anh không còn quan trọng nữa.
Để gọi tên, có lẽ thứ Gregor cảm thấy chính xác là sự tuyệt vọng. Không còn gì để mong đợi vào ngày mai, không còn ai đón chờ mình, không còn thấy ý nghĩa trong sự tồn tại. Cái chết đến từ bên trong còn mãnh liệt hơn cả tác động từ bên ngoài.
Quả táo bố ném không giết chết Gregor. Sự quay lưng của gia đình mới là phát đạp cuối cùng khiến anh gục ngã.
Giá mà trong những năm tháng khỏe mạnh, sung sức, Gregor có thể chọn sống khác hơn. Kiếm một công việc khác, dành chút thời gian cho mình, gắng tìm được niềm vui trong sự tẻ nhạt, tìm cách kiếm tiền hiệu quả hơn, để người thân sống cuộc đời của họ… thì có lẽ cái chết sẽ đỡ khô khốc và lạnh lẽo đi một chút.
Trách nhiệm với gia đình có thể là động lực, nguồn vui, cũng có thể là ngục tù siết chặt những mong ước của cá nhân về một cuộc đời họ muốn sống.
Hướng đến đâu để sống là câu hỏi có vô vàn đáp án. Tôi cho rằng hướng đến cái chết cũng là một lựa chọn không tồi.
Làm thế nào để thước phim cuối đời hiện ra không làm mình hối hận, ai dám nói là dễ? Suy cho cùng thì, người sợ chết nhất là người biết rằng mình chưa từng thực sự sống.
Bạn nghĩ sao về quan điểm này qua cuốn sách Hóa Thân - Kafka? Hãy để lại bình luận hoặc nhắn tin cho mình nhé.
*Bài viết nằm trong lớp blogging của Writing On The Net #WOTN5