Cố gắng phake
Yeah, bạn không nghe nhầm tí nào. Cố gắng cũng có thể không được chân thực cho lắm.
Với một chiếc lưng gù, cổ rướn về phía trước, tấm lưng mỏng dính nhức mỏi, mỗi ngày đều vặn rôm rốp 5 lượt - mình có đủ lý do để (phải) nghĩ đến trị liệu.
Và mình đi học.
Bộ môn mình học là Trigger Point Therapy - trị liệu điểm kích hoạt. Hiểu một cách cơ bản là dùng tay hoặc dụng cụ để tác động vào các điểm đau trên cơ thể, đi sâu vào cơ, từ đó giúp giảm đau, giãn các khối cơ căng/co cứng. Lý thuyết cho mình một khung cơ bản về giải phẫu cơ - xương - khớp một cách tổng quan, nhưng thử thách lớn nhất lại là thực hành.
Bước ra thực tế với muôn vàn cơ thể khác nhau, mỗi thể trạng lại đi kèm với bệnh lý, đặc trưng độ tuổi khác nhau - làm thế nào để tác động vào nhóm cơ 1 cách hiệu quả là một đề bài khó cho newbie như mình.
Đề bài này mình chưa có lời giải đáp, nhưng trước mắt nó dẫn mình đến với 1 đề bài khác, cũng khó khăn không kém mà mình sẽ kể với bạn qua bài viết hôm nay.
Cố như không cố
Ngày xửa ngày xưa, hồi còn đọc Naruto, mình cứ nhớ mãi đôi mắt nhìn thấu cơ thể - Bạch nhãn (Byakugan) của Neji Hyuga. Trong vũ trụ Naruto, có thể hiểu chakra là sự kết hợp giữa năng lượng cơ thể - tồn tại trong mọi tế bào và năng lượng tinh thần - tích lũy từ những lần luyện tập và trải nghiệm. Thế giới ninja có ty tỷ loại thuật thuộc thể thuật, ảo thuật, nhẫn thuật. Và tất cả các thuật đều cần huy động đến chakra để thi triển.
Người của gia tộc Hyuga có thể nhìn toàn bộ bản đồ chakra của đối phương, ngay cả khi người đó tàng hình. Phối hợp với nhu thuật tinh tuyển, tộc Hyuga có khả năng đánh đâu chuẩn đấy, chặn đứt dòng chakra, vô hiệu hóa thuật của đối phương trong tích tắc.
Nhìn Rock Lee và Naruto đi đánh nhau cứ phải hô hào rùm beng, đạp gió rẽ sóng, nhân bản tùm lum, dùng đủ thứ thuật để phủ đầu đối phương thì mình khao khát có được năng lực như Neji. Rõ ràng là cố gắng rất nhiều, nhưng nhìn nhẹ nhàng như không. Cố như không cố.
Thật là khí chất biết bao nhiêu.
Nhờ có đôi mắt diệu kỳ làm chủ bản đồ chakra, khả năng đánh cận chiến của tộc Hyuga phá đảo thế giới ảo, vừa thanh lịch vừa hiệu quả. Ngày đó tưởng tác giả bịa ra thứ gọi là chakra,
hóa ra trong thực tế, chakra chính là luân xa trong bộ môn Yoga, nghĩa là “bánh xe trong tiếng Phạn cổ.
Càng tìm hiểu mới thấy những sự gặp gỡ của các điểm nhấn (trong trị liệu), huyệt (trong châm cứu), chakra - hay luân xa trong Yoga và Naruto. Về cơ bản, năng lượng, hay khí - cần được vận hành, chảy trôi và luân chuyển điều độ, bao gồm cả bên trong và bên ngoài cơ thể. Khi một hoặc nhiều điểm bị ứ trệ, tắc nghẽn sẽ gây đau nhức, tê bì, co cứng, ảnh hưởng đến vóc dáng, sức khỏe của chúng ta.
Trong đông y có một câu: Bất thông tắc thống - Thông tắc bất thống
Nghĩa là: Không thông thì đau - Thông thì không đau
để nói lên tầm quan trọng của việc đả thông kinh mạch, kích hoạt các điểm bị ứ trệ để giảm bớt cơn đau.
Có như không có
Hiểu được hệ thống vận hành, tầm quan trọng của việc xác định điểm đau và tác động vào nó là thế, nhưng thử thách lớn nhất mình gặp phải ngay bước đầu tiên:
💥 Nhấn không có lực 😓
Tức là, dồn hết cả nhà cả cửa, có bao nhiêu lực là nén hết xuống người khách. Nhưng phản hồi nhận được thường là:
Nhẹ quá, không thấy gì hết,
Không biết có đang nhấn hay không
Dùng dụng cụ đi, tay nhấn không có cảm giác gì cả
Đỡ tệ hơn một chút thì câu trả lời là:
Có thấy đau nhưng đau do lực nhấn của tay chứ không phải vì nhấn đúng điểm.
OUCH!
Nếu ai trông thấy dáng vẻ đứng trị liệu của mình, người đó hẳn nghĩ mình đang xắn áo xắn quần đi cày ruộng, hoặc ít nhất cũng như bước ra từ một buổi đấm bốc nào đó. Mình toát mồ hôi, gồng cứng cơ thể, vừa loay hoay vừa căng thẳng. Mỗi cú nhấn của mình dường như gửi đến khách thông điệp: em bất ổn, hoang mang và không biết mình đang làm cái gì.

Mình ước mình có năng lực như Neiji.
Nếu mình là Neiji thời hiện đại, đi trị liệu cho khách thì sẽ pro_vjp với tiêu chuẩn như thế này:
Đúng điểm: nếu khách có bệnh lý liên quan đến khối cơ đó, thì điểm đang nhấn xuống phải được kích hoạt - tức là khách nên thấy đau
Lực nhấn với mức độ đau vừa phải 5-6/10: không nhẹ quá (không thấy gì), cũng không mạnh quá (khiến khách bầm da, đau đớn)
Lực nhấn xuống là lực của cả cơ thể: trụ vững 2 chân, gồng chắc cơ lõi và đổ người xuống một cách chắc chắn, ổn định - không phải gồng mỗi đôi tay và ấn cho đỏ ửng lên.
Nhấn nhịp nhàng: tuần tự, không gấp gáp, nương theo nhịp thở của khách. Mỗi lần nhấn không xuống chậm lên nhanh, không làm quáng quàng cho xong. Đủ tối thiểu 30s thì việc tác động lên các điểm kích hoạt mới có tác động lên nhóm cơ đó.
Mình nhận ra, mình không phải Neji - tất nhiên 🙂
Việc nhấn trị liệu của mình chính là một ví dụ hoàn hảo cho những cố gắng phake. Tức là trông thì tưởng là đang cố gắng, nhưng thực chất là không. Thứ mình đang làm có khi chỉ là quơ quào cho có động tác thôi, chứ không phải 1 hành động cố gắng có chủ đích, hướng tới mục tiêu cụ thể.
Cố gắng phake
Nói về chuyện cố gắng phake thì, mình nghĩ chúng ta ai cũng từng gặp phải đôi lần:
Muốn tăng cân nhưng thay vì tập luyện và ăn uống để calo in > calo out thì chỉ ăn cho đủ bữa, ăn khuya, tối xem đủ các video tài liệu để tăng cân nên thức khuya và thiếu ngủ
Muốn nhảy việc nhưng thay vì update CV, đi gặp gỡ tìm hiểu thị trường, phỏng vấn thử… thì lại ngồi search hết job này đến job khác, xem template nào đẹp, chụp tấm hình sáng sủa, ngồi lo lắng và… hết
Muốn ngủ đủ giấc buổi tối nhưng 1h mới đặt điện thoại sang một bên, set 10 cái báo thức lúc 5h sáng ngày mai và hy vọng mình tỉnh táo tràn trề năng lượng khi thức dậy.
Hoặc muốn giải phóng bồn rửa khỏi đống bát đũa bầy hầy thì thứ chúng ta làm là như thế này:
10 cái báo thức, chỉnh template cho thật đẹp hay xem 100 video bài tập cho cơ xô… nhìn chung, giúp mình thấy:
an tâm vì cảm giác “tôi đang hành động”.
Mỗi một đầu việc được liệt kê ra, sẽ góp thêm 1 dấu check cho to do list. Chưa biết là thực sự có tác động gì, nhưng cứ check được một phát đã. Tiếng “ting” trong não phát ra thật vui tai biết bao nhiêu, vì nó:
an ủi, xoa dịu cho một trái tim đang khắc khoải vì một mục tiêu nào đó chưa hoàn thành:
“Này, tôi hành động rồi đấy nhé, tôi không trì hoãn đâu nên hãy buông tha để tôi làm việc khác đi”.
Và thế là, não chúng ta được uống một tách cà phê sáng mang tên “cố gắng phake”. Tạo ra cảm giác tỉnh táo hưng phấn tức thời, nhưng sau đó thì xụi lơ, vì có tỉnh thật đâu.
Chúng ta có xu hướng muốn mình được nhìn nhận là người cố gắng, và cố gắng hiệu quả. Không chỉ từ phía sếp, đồng nghiệp mà cả những người xung quanh, rằng chúng ta bỏ tâm sức, thành ý, sự chú tâm vào mỗi dự án, mỗi cái báo giá, mỗi brief, mỗi sản phẩm mà chúng ta làm. Trong mối quan hệ cũng vậy, là con, là em, là người yêu, là vợ chồng… mối nào mà chẳng có vấn đề.
Khi vấn đề được gọi thành tên, ai mà không muốn mình có khả năng cải thiện, có hành động thực tế cho nó. Không chỉ người ngoài, chúng ta cũng muốn chính mình nhìn nhận bản thân như vậy.
Mong muốn kết quả tích cực từ sự cố gắng, nỗ lực của bản thân là một điều rất tự nhiên. Nhưng đôi khi, chính những mong muốn đó đã lèo lái chúng ta, khiến đôi mắt mờ đi và những đo lường không còn chính xác nữa.
Những động thái mình làm, đôi khi chỉ là chuồn chuồn bay là là trên mặt nước, thấy có chút xao động nhưng không-thực-sự-làm-gì-cả.
Tuy vậy, mình cho rằng, những động tác quơ quào, loạng choạng được gán mác cố gắng phake cũng có điểm tích cực của nó. Đó là khi chúng ta không biết mình nên làm gì, không biết nên sửa ở đâu, làm gì trước làm gì sau thì cứ:
làm-đại-đi.
Mỗi một lần loạng choạng, va chỗ này một chút, đụng chỗ kia một tí sẽ cho chúng ta có thêm thông tin và tư liệu để thu hẹp vùng hoang mang của mình. Để nếu cố gắng, thì sẽ bớt sai hơn một tí.
Nó rất giống với việc dò tìm điểm nghẽn khi mình trị liệu cho khách. Bạn hiểu đơn giản là, sẽ có những điểm đau chúng ta biết nó thuộc về nhóm cơ đó, nhưng mỗi người sẽ đau ở vị trí khác nhau. Việc của người thực hiện là dùng lực tay miết một đường dài theo nhóm cơ đó, khách nói đau ở đâu thì tiến hành nhấn ở đấy. Không có đáp số cụ thể.
Hay như khi viết, không phải lúc nào ngồi xuống là cũng ào ạt gõ ra như suối chảy. Writer’s block, nói gì thì nói, vẫn hiện diện như cơm bữa. Để khơi thông dòng chữ, bên cạnh việc tìm hiểu thêm, đọc thêm thì viết hết ra, viết đại đi, bày biện hết ra màn hình, ra sổ… cũng gần giống như việc tìm điểm đau trên cơ thể vậy. Để bài nghỉ 1 (vài) đêm, dò từng chút một, rồi chúng ta sẽ biết mình đang tắc ở chỗ nào, và thu hẹp phạm vi cần phải xử lý.
Thế phake rồi đấy, giờ sao?
Quay trở lại với trường hợp: lực nhấn quá nhẹ, không đủ tạo ra tác động đến điểm đau của mình.
Cố gắng phake là: bặm môi, vén tay áo, lùi người ra xa ấn lấy ấn để, quẹt mồ hôi để trông có vẻ là mình đang cố gắng lắm đấy
Cố gắng real là:
Xác định xem lực yếu là do đâu: do bản thân yếu phần cơ thân trên, do góc đổ người sai, do thiếu trợ lực (nhóm lý do chủ quan), do người khách dày/bệnh lý nặng nên khó tìm điểm, do thiếu dụng cụ hỗ trợ (nhóm lý do khách quan)
Ở nhóm khách quan, sửa được cái gì thì sửa luôn (thể trạng của khách là không thể can thiệp, chỉ còn công cụ - okay vậy thì có thể đổi sang dùng công cụ hỗ trợ, hạ độ cao của giường để mình có thêm không gian đổ người xuống
Ở nhóm chủ quan: sửa lại thế đứng - nếu đứng dưới không được thì ngồi thế số 4 cho vững, sửa góc, chụp lại hình để xem sai chỗ nào, kiểm tra điểm nhấn đã thực sự đúng hay chưa
Quan trọng nhất là, xác định vấn đề dài hạn và sửa nó. Ở đây là:
về nhà và đi tập gym.
Tập gym đúng sẽ cho người chuyên viên trị liệu 1 thế đứng đúng, bảo vệ lưng của mình trong khi hành nghề. Đồng thời có thân trên khỏe, góp phần ra lực chính xác. Từ đây, mình có thể hành nghề chuẩn như Neji: thanh lịch, khí chất, chuyên nghiệp chứ không phải hì hục, và lam lũ như mình đang thể hiện.
Xin 1 phút tự thú: dù đã biết là mình cần phải tăng cường tập gym cho thân trên khỏe hơn để cải thiện việc phát lực nhưng mình chưa làm gì cả. Tất cả những gì mình làm là viết ra đường hướng và, up lên cái đã. Để bao biện thì mình nghĩ, việc viết ra không chỉ là những gì mình đã làm được, mà còn bao gồm cả những lời nhắc nhở cho những thứ chưa thành đúng không mọi người?
Mình xin để bài viết ở đây để có thêm động lực. Để dù đi học vì muốn học thôi, không phải để hành nghề chuyên nghiệp, thì cũng thực hành một cách đúng đắn cho nó.
Bạn đã bao giờ rơi vào trạng thái cố gắng phake chưa? Góc nhìn của bạn về sự cố gắng như thế nào? Hãy để lại bình luận hoặc gửi tin nhắn để mình được biết với nhé.
Kudos ninja
đã dùng Byakugan để chỉ cho mình những điểm dài dòng thừa thãi, check-in bài vở với mình. Đặc biệt là vẫn ở đó để mình có người mà hứa, vì đôi khi hứa với bản thân vẫn gục ngã như thường ^^Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
link booking ở đâu ạ :)) cho có accountability nào!
Ui u mê bài này quá. Đọc xong tỉnh người